Galax GeForce GTX 1060 OC 3GB: Card đồ họa giá tốt, hiệu năng cao

Galax GeForce GTX 1060 OC 3GB: Card đồ họa giá tốt, hiệu năng cao
Tuy dung lượng VRAM chỉ 3GB và không hỗ trợ đồ họa kép SLI (so với bản GTX 1060 6GB) nhưng Galax GeForce GTX 1060 OC cho hiệu năng game ăn đứt những dòng card đồ họa phổ thông dùng GPU GTX 1050.

Tổng quan sản phẩm

Nhìn bề ngoài thì Galax GeForce GTX 1060 OC 3GB trông rất đơn giản và gọn gàng bởi không có tấm kim loại backplate che phía sau và bị cắt giảm 2 giao tiếp DisplayPort so với những card đồ họa dùng GPU GTX 1060 bản 6GB.

Tuy vậy, Galax GeForce GTX 1060 OC vẫn đáp ứng đủ nhu cầu xuất hình của game thủ với 1 giao tiếp DisplayPort 1.4, 1 giao tiếp HDMI 2.0b và 1 giao tiếp DVI-D, hỗ trợ xuất hình ở độ phân giải tối đa lên đến 7.680x4.320 pixel.

Galax tiếp tục phát huy thế mạnh về ép xung sẵn GPU khi đẩy xung nhịp mặc định của sản phẩm tăng từ 1.506MHz lên 1.518MHz, trong khi xung nhịp tăng tốc tăng từ 1.709MHz đến 1.733MHz.

Nhờ đó, Galax GeForce GTX 1060 OC có sức so kè với phiên bản GTX 1060 6GB dù chỉ có 3GB VRAM GDDR5 192-bit.

Về năng lượng tiêu thụ, Galax GeForce GTX 1060 OC cần cung cấp nguồn PCIe 6-pin với công suất thoát nhiệt thiết kế (TDP) đạt 120W. Do đó, game thủ cần trang bị bộ nguồn PSU có công suất thực tối thiểu 400W để đảm bảo cung cấp điện năng giúp hệ thống PC hoạt động ổn định.

Để làm mát cho Galax GeForce GTX 1060 OC, nhà sản xuất Galax trang bị cặp quạt tản nhiệt đường kính 80mm, đồng thời áp 2 ống đồng đường kính 6mm vào sát GPU. Nhờ thế mà card chạy khá êm trong những trò chơi mà Test Lab thử nghiệm.

Tương tự như Galax GTX 1050 OC 2GB, card đồ họa Galax GeForce GTX 1060 OC cũng hỗ trợ đầy đủ các thư viện đồ họa DirectX 12, Vulkan API, Open GL 4.5 cùng nhiều công nghệ hiện đại của NVIDIA như Simultaneous Multi-Projection, Ansel, G-Sync, GameStream hay GPU Boost 3.0.

Đánh giá hiệu năng

Test Lab thiết lập hệ thống PC thử nghiệm Galax GeForce GTX 1060 OC (Galax GTX 1060 PC) có cấu hình giống lần thử nghiệm Galax GTX 1050 OC với CPU Intel Core i7-6700K, bo mạch chủ Asus Strix Z270E Gaming, RAM 8GB DDR4-2400, SSD 240GB, bộ nguồn Andyson N700 700W - 80 Plus Titanium và tản nhiệt CPU Cooler Master Hyper 612 Ver.2.

Ở phép thử tổng hợp Creative conventional (game và đồ họa) trong phần mềm PCMark 8, Galax GTX 1060 PC đạt 5.413 điểm, cao hơn Galax GTX 1050 PC đến gần 500 điểm. Kết quả này vẫn chưa là gì bởi sức mạnh thật sự của Galax GeForce GTX 1060 OC được thể hiện vô cùng rõ nét qua những phép thử về game trong phần mềm 3DMark.

Cụ thể, ở các phép thử Fire Strike và Fire Strike Extreme, Galax GTX 1060 PC lần lượt đạt 10.693 điểm và 5.549 điểm, hơn hẳn Galax GTX 1050 PC chỉ đạt 6.221 điểm và 3.173 điểm tương ứng. Kết quả này cho thấy có sự chuyển biến rõ rệt khi thay card đồ họa GTX 1050 bằng card GTX 1060 nhằm trải nghiệm mượt những game offline yêu cầu đồ họa cao.

Ngạc nhiên hơn, Galax GTX 1060 PC bám “sát sườn” PC thử nghiệm card đồ họa Asus RX 480 Strix Gaming OC 8GB (chỉ khác bo mạch chủ) ở nhiều phép thử như 3.926 - 4.181 (Time Spy), 2.809 - 2.945 (Fire Strike Ultra), 10.693 - 11.181 (Fire Strike)

Trở lại với sự so sánh giữa Galax GTX 1060 và Galax GTX 1050 ở độ phân giải Full HD, Test Lab thiết lập game Rise of the Tomb Raider ở mức đồ họa Medium, riêng game Dragon Age: Inquisition thì thử thêm mức Ultra để đánh giá hiệu năng.

Kết quả thử nghiệm cho dù chỉ có 3GB VRAM nhưng Galax GeForce GTX 1060 OC vượt trội hoàn toàn so với Galax GTX 1050. Chi tiết về chênh lệch tốc độ khung hình mỗi giây xin mời bạn đọc xem 2 biểu đồ minh họa dưới đây.

Rõ ràng ở độ phân giải Full HD thì Galax GeForce GTX 1060 OC thừa sức đáp ứng nhu cầu trải nghiệm game đồ họa cao ở mức trung bình (Medium), thậm chí còn nhắm đến vượt ngưỡng tốc độ khung hình mỗi giây 60fps ở mức cao nhất (Ultra).

Bên cạnh đó, Galax GeForce GTX 1060 OC cũng phù hợp với nhu cầu chơi game thực tế ảo VR ở độ phân giải Full HD như kết quả đo bằng phép thử Superposition.

Card đồ họa Galax GeForce GTX 1060 OC đang được bán ở mức 5,6 triệu đồng, phù hợp với nhiều game thủ không có nhu cầu chạy đồ họa kép SLI. 

Cấu hình thử nghiệm:

- Bộ xử lý Intel Core i7-6700K

- Bo mạch chủ Asus Strix Z270E Gaming

- Bộ nhớ Avexir Core Series Red Led 8GB (2x4GB) DDR4-2400

- Ổ lưu trữ SSD Mushkin Enhanced Triactor 7mm 240GB

- Bộ nguồn Andyson N700 700W - 80 Plus Titanium

- Tản nhiệt (bộ xử lý) Cooler Master Hyper 612 Ver.2

Các sản phẩm như bộ nhớ RAM, ổ SSD Mushkin và bộ nguồn Andyson hiện có bán tại Tân Doanh - www.tandoanh.vn.

CPU do Intel Việt Nam cung cấp.

Bo mạch chủ do Asus Việt Nam cung cấp.