Google bước vào cuộc chiến phần cứng với Apple

Google bước vào cuộc chiến phần cứng với Apple

Khi Apple đang cố phát triển phần mềm và dịch vụ để giảm phụ thuộc vào iPhone, thì mục tiêu của Google là trở thành một công ty phần cứng.

Theo trang công nghệ Verge, trong số ba công ty có tầm ảnh hưởng nhất xét về thiết kế smartphone, Nokia đã tan vỡ thành nghìn mảnh sau khi bị Microsoft mua lại, Apple vẫn lớn mạnh với iPhone còn Google vừa mua được vị trí thứ ba với giá 1,1 tỷ USD.

Lý do dễ nhìn thấy qua việc Google thâu tóm HTC là để sở hữu số lượng bằng sáng chế, đội ngũ kỹ sư và thiết kế của hãng Đài Loan. Nhưng còn một nguyên nhân khác mà hãng tìm kiếm Mỹ không hề giấu giếm hơn một năm qua: thực sự trở thành một công ty phần cứng.

google-buoc-vao-cuoc-chien-phan-cung-voi-apple

Google đang dần đi theo mô hình của Apple.

Đầu năm 2016, Google thành lập bộ phận chuyên về phần cứng và thuê lại cựu giám đốc Motorola là Rick Osterloh về điều hành. Chỉ vài tháng sau, những biển hiệu quảng cáo xuất hiện ở nhiều con phố châu Âu và Mỹ cho smartphone đầu tiên "made by Google". Đó là bộ đôi Pixel và Pixel XL do Google thực tiếp thiết kế và tham gia vào quá trình sản xuất giống Apple làm iPhone, thay vì chỉ đơn giản đặt hàng đối tác như Nexus trước đây.

Nói cách khác, Google chính thức bước vào cuộc chiến phần cứng với Apple.

Nghe có vẻ nghịch lý khi rất nhiều ứng dụng của Google được xây dựng cho hệ điều hành iOS. Nhưng rõ ràng, iPhone đang ngáng đường Google trong việc đạt mục tiêu hiện diện trên mọi thiết bị kết nối Internet. Trợ lý ảo Siri sử dụng kết quả tìm kiếm từ Microsoft Bing, trong khi bản đồ Apple Maps đã giúp hãng này giảm phụ thuộc vào Google Maps.

Khi Apple càng trở nên độc lập khỏi ứng dụng của Google, thì Google cũng  muốn chứng tỏ họ không cần Apple bằng cách tạo ra smartphone tốt hơn.

Bên này, Apple đầu tư mạnh mẽ cho phần mềm và dịch vụ. "Mảng dịch vụ đang trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Apple đặt mục tiêu doanh thu của riêng mảng này cũng sẽ đạt mức tương đương với công ty trong top Fortune 100 năm nay", CEO Apple Tim Cook từng tuyên bố. Trong khi đó, Giám đốc tài chính Luca Maestri cũng xác nhận kế hoạch của hãng là tăng gấp đôi doanh thu mảng dịch vụ trong vòng bốn năm.

Bên kia, Google đang rất nghiêm túc trong việc làm phần cứng. Có trong tay HTC, Google có thể chủ động thiết kế điện thoại và nhanh chóng bổ sung những tính năng mới vào Pixel nhờ đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm cũng như đảm bảo phần cứng - phần mềm hoạt động ăn khớp với nhau.

Kết quả là Apple và Google sẽ có mô hình hoạt động giống nhau và sự xung đột sẽ còn tăng lên. Hình ảnh CEO của hai công ty ngồi uống cafe trên con phố nhỏ ở Palo Alto, tán gẫu về tình hình kinh doanh đã qua lâu rồi.

Steve Jobs và Eric Schmidt

Giới công nghệ từng vài lần thấy Steve Jobs và Eric Schmidt đi uống cafe cùng nhau. Ảnh: Gizmodo

Trên blog của Google, Rick Osterloh cũng khẳng định tham vọng tập trung vào phần cứng: "Mục tiêu của chúng tôi là mang đến 'trải nghiệm Google' tốt nhất về cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ cho mọi người trên toàn thế giới".

Từ năm 2012, Google đã chi 12,5 tỷ USD để mua Motorola - thông tin hầu như mọi tờ báo đều nhắc đến khi nói tới Google và HTC. Tuy nhiên, hai thương vụ có tính chất rất khác nhau bởi Google hiện tại không còn là Google của 5 năm về trước.

Khi ấy, Google muốn hỗ trợ Samsung và các nhà sản xuất Android. Với danh mục bằng sáng chế khổng lồ từ Motorola, Google có thể bảo vệ hệ sinh thái Android trước các vụ kiện cáo "đầy hung hãn" từ Apple, Microsoft và Oracle.

Còn lần này, Google đầu tư một cách nghiêm túc với quyết tâm trở thành một hãng phần cứng, cạnh tranh sòng phẳng với chính các nhà sản xuất Android. Họ vẫn coi Samsung là đối tác lớn nhất, nhưng nếu Samsung không thích bước đi mới của Google thì hãng Hàn Quốc sẽ phải tự tìm cách kinh doanh điện thoại Tizen thay vì Android.

Trong thương vụ cũ, Motorola vẫn hoạt động như một công ty riêng biệt. Trong khi đó, nhóm kỹ sư của HTC sẽ là "người của Google" với đầy đủ kinh nghiệm làm phần cứng mà Google vốn thiếu hụt. Đội ngũ này có quy mô lên tới gần 2.000 người dưới quyền của Osterloh. Phần cứng giờ đây không phải là thú vui của Google như trước nữa, nó đóng vai trò quan trọng ngang với Android và YouTube. Microsoft cũng đang cố gắng đi theo mô hình này của Apple với nền tảng Windows và dòng thiết bị Surface.

Google Pixel là smartphone chụp ảnh đẹp nhất cuối năm 2016, nhưng kém phổ biến vì không sản xuất đủ hàng. Ảnh: express

Google Pixel là smartphone chụp ảnh đẹp nhất cuối năm 2016, nhưng kém phổ biến vì không sản xuất đủ hàng. Ảnh: Express

Xét về tình hình hiện tại, có thể nhiều người nghĩ Google rất khó vượt qua được Apple hay Samsung. Nhưng, đường dài mới biết ngựa hay. Chẳng phải lần đầu tiên trong lịch sử, Google quyết định dán mác "Made by Google" lên một chiếc điện thoại, thì Pixel đã lập tức trở thành smartphone chụp ảnh tốt nhất được bán trên thị trường vào thời điểm đó đấy thôi. Pixel thắng iPhone khi được đánh giá chụp đẹp hơn.

Cuối năm ngoái, Google và HTC đã tự tay phá bỏ lợi thế ban đầu của mình khi không kịp sản xuất đủ số đơn hàng cho Pixel. Nhưng không sao, quan trọng bạn có một sản phẩm tốt, một thương hiệu lớn, năng lực tài chính mạnh và chiến lược truyền thông khôn ngoan, những vấn đề còn lại có thể được khắc phục theo thời gian khi Google đã tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn.

Nếu Google tiếp tục duy trì cuộc chiến cũ, iPhone sẽ luôn thắng. Bí quyết của Apple là nắm quyền kiểm soát chặt chẽ mọi thứ liên quan đến trải nghiệm của người dùng. Google không thể ép mọi nhà sản xuất Android chuyển sang USB-C, hay phải dùng một kiểu giao diện nhất định. Bởi vây, họ buộc phải tự thiết kế điện thoại mới có thể đấu ngang hàng với Apple.

Châu An