Google đang đi đường vòng để vào Trung Quốc

Google đang đi đường vòng để vào Trung Quốc

Sau 8 năm bị chặn, Google đang tìm những cách mới để tăng sự hiện diện tại quốc gia đông dân nhất thế giới. 

Năm 2010, hầu hết các dịch vụ của Google bị đóng cửa tại Trung Quốc sau khi hãng này từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ trong việc kiểm duyệt và lọc các kết quả tìm kiếm.

Tuy nhiên, Trung Quốc có tới 1,4 tỷ dân và là thị trường hấp dẫn mà không hãng nào muốn bị hất cẳng. Những đầu tư mạnh mẽ vào các công ty Trung Quốc gần đây cho thấy Google đang hình thành một kế hoạch đầy sáng tạo để trở lại thị trường hấp dẫn này.

Người dùng Trung Quốc tiếc nuối các dịch vụ như Google, Facebook... Ảnh: Whatsonweibo

Người dùng Trung Quốc tiếc nuối các dịch vụ như Google, Facebook... Ảnh: Whatsonweibo.

Theo Whatsonweibo, kế hoạch đó nói cách khác là đi đường vòng. Một phần quan trọng trong đó là bắt tay với các công ty công nghệ. Ngày 18/6, Google tuyên bố đầu tư 550 triệu USD vào JD.com, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc.

Đây không phải lần đầu Google ký kết hợp tác chiến lược ở nước này. Suốt ba năm qua, họ đã đầu tư hàng tỷ USD vào 5 công ty lớn tại đây, trong đó có hãng Tencent.

Mới đây, họ cũng tích cực hợp tác với các nhà sản xuất điện thoại như Huawei và Xiaomi. Công nghệ thực tế ảo tăng cường Google ARCore đã có mặt ở Trung Quốc thông qua Xiaomi, và hãng Internet Mỹ cũng sẽ bắt tay cùng phát triển một chuẩn tin nhắn di động mới với Huawei.

Trước đó, từ năm 2017, Google xây dựng trung tâm nghiên cứu về AI đầu tiên ở châu Á tại Bắc Kinh năm 2017, đồng thời tích cực tài trợ cho các hội thảo về trí tuệ nhân tạo tại quốc gia này.  

Google đang coi AR, VR, AI... là một cách đi đường vòng hiệu quả vì các công nghệ mới này dễ được chính phủ Trung Quốc chấp nhận. Đây được coi là giải pháp đôi bên cùng có lợi. Google giúp các công ty Trung Quốc đưa sản phẩm của họ ra ngoài lãnh thổ, trong khi các công ty này giúp Google tăng độ ảnh hưởng tới thị trường.

Tương tự Google, hồi tháng 3, Facebook - cũng bị chặn ở Trung Quốc từ 2009 - tuyên bố hợp tác với Xiaomi để cho ra đời kính thực tế ảo Mi VR Standalone. Sản phẩm này là một cách để Facebook có thêm những khách hàng công nghệ tại Trung Quốc.

Nhiều người dùng Trung Quốc tỏ ra hào hứng trước việc Google đang một lần nữa mở rộng các dịch vụ tại đây. Người hâm mộ thậm chí còn lập website có tên Google-CH mô phỏng công cụ tìm kiếm của Google. Dù trang này đã nhanh chóng bị xóa bỏ, người dùng Weibo vẫn bày tỏ mong muốn Google sẽ sớm trở lại và trở thành nền tảng tìm kiếm thông dụng tại Trung Quốc, nhất là những ai không hài lòng với những công cụ tìm kiếm nội địa như Baidu hay Sogou.

Hiện Google có hai ứng dụng được phép hoạt động ở quốc gia đông dân nhất thế giới là Google Translate và Files Go. Nhưng còn nhiều dịch vụ hấp dẫn khác như Gmail, Google Play và công cụ tìm kiếm, vẫn chưa biết ngày nào được cấp phép.

"Đừng đi đường vòng. Hãy trở lại theo đường chính. Tôi thực sự mong ngày Google trở lại", một người dùng Trung Quốc bình luận trên Weibo.

Minh Minh